Thursday, 01 - 05 - 2025 20:35:02
Puskin và Phương Đông

"Trong dịp PV tổ chức "Triển lãm Puskin ở VN", học sinh và sinh viên chuyên Nga đã được nghe thầy Vũ Thế Khôi nói chuyện say sưa về mối tình của nhà thơ với người đẹp cố đô Moskva. Tiếc rằng thời gian có hạn, nhiều bạn còn thấy "thòm thèm", đề nghị được biết chi tiết hơn. Được sự đồng ý của thầy Khôi, chúng tôi xin đăng lại tham luận khoa học của thầy chuyên về vấn đề này tại Hội thảo ở Viện Văn học 15 năm trước".

 

PUSKIN VÀ PHƯƠNG ĐÔNG

                                                                                                                                                                      Vũ Thế Khôi

 

Trung tâm Ngôn ngữ & Văn hóa Đông Tây

 

Vấn đề đăt ra trong bài tham luận nhỏ này không phải cái thường gọi là “chủ đề (mô-tip) phương Đông” trong sáng tác của các nhà văn phương Tây, một bình diện mà người ta đã bàn luận không ít. Vả lại, trong bình diện này Puskin không phải người đi tiên phong. Nhiều văn hào thuộc trào lưu văn học lãng mạn phương Tây đầu thế kỷ XIX từng đua nhau viết về các chủ đề phương Đông (chủ yếu là Cận Đông và Trung Đông): Bairơn có cả một loạt trường ca phương Đông, Huygo – một chùm thơ nhan đề “Những mô-tip phương Đông”. Đến cả ông già Gơt đáng kính của thế kỷ XVIII Khai sáng cũng bị phương Đông bí ẩn đầy thơ mông quyến rũ, nên đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, năm 1819, còn cho ra đời đứa con lãng mạn muộn mằn, lại đặt cho một cái tên thâm thúy, mà theo chúng tôi có thể diễn dịch là “Đồng sàng Tây - Đông”.

 

Trong tham luận này cũng không bàn câu chuyện Puskin đã được giới thiệu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam v.v… như thế nào: về bình diện này người Nga cũng đã tổng kết trong cả một cuốn sách. Trong chương viết “Puskin ở Việt Nam”, căn cứ cách tuyển chọn và giới thiệu đại thi hào Nga ở Việt nam lúc ấy (những năm 50 – 70), tiến sĩ N.Nikulin đã có nhận xét: “Dường như bạn đọc Việt Nam, vừ mới trải qua cuộc chiến gian khổ vì Độc lập và Tự do của dân tộc mình, tâm đắc hơn cả những mô-tip ca ngợi tự do, đấu tranh chống chính quyền chuyên chế Nga hoàng và lòng yêu nhân dân, tổ quốc trong sáng tác của thi hào Nga vĩ đại”[1].

 

Trong trào lưu chung “trở về nguồn” đang diễn ra.trước ngưỡng cửa của thế kỷ mới, đã được tuyên bố là “thế kỷ nhân văn”, lại nhân việc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây vừa mới được thành lập, đã chuẩn bị xuất bản một bộ tuyển tác phẩm của Aleksandr Puskin, đầy đủ nhất ở Việt Nam từ trước đến nay (+ 2000 trang), chúng tôi muốn thử mạo muội đề cập ở đây vấn đề về cảm quan phương Đông (vostotrnoie miroosushenie) như một mạch nguồn thấm đậm tư duy nghệ thuật của đại thi hào Nga.

 

Vấn đề không phải là “chủ đề (mô-tip) phương Đông” mà là những quan niệm, những tình cảm truyền thống của phương Đông, ẩn hiện ngay cả trong các tác phẩm thi hào Puskin viết không phải về phương Đông, mà là về các đề tài chung thông thường nhất như làng quê của mình, mái nhà của ông cha mình. Để minh họa, xin được dẫn toàn văn bài thơ, theo chúng tôi, khá tiêu biểu về bình diện này mà từ trước đến nay các nhà Puskin học người Nga hầu như bỏ qua, ở Việt Nam chưa hề được giới thiệu. Đó là bài Khấn ngài Thổ công (Đomovomu), sáng tác năm 1819, khi nhà thơ vừa 20 tuổi và mới qua và mới trải qua một nền giáo dục Âu hóa ở Lycée Hoàng gia – một nền giáo dục được bắt đầu bằng những biện pháp cải cách kiên quyết, thậm chí thô bạo của Piotr Đại đế, nhưng chính nhờ vậy đã góp phần đưa nước Nga thoát ra khỏi sự trì trệ Trung cổ, vươn lên hội nhập với văn minh phương Tây; tuy nhiên, nền giáo dục ấy cũng bộc lộ không ít khuyết tật mà chính Puskin vài năm sau đã mỉa mai sắc xảo qua hình tượng điển hình Evghenin Oneghi trong tiểu thuyết bằng thơ cùng tên. Xin trở lại với bài:

 

Khấn ngài Thổ công

 

Tôi xin cầu khấn ngài Thổ công –

Thiện thần phù hộ cho ruộng đồng,

Xóm làng, vườn tược và rừng núi,

Mái ấm gia đình của cha ông.

 

Xin Ngài ngăn gió mạnh cuối thu,

Phòng ngừa chợt lạnh những cơn mưa

Và cho tuyết dày rơi kịp lúc:

Ruộng đồng no nước để được mùa.

 

Xin ngài mãi ngự đất tổ tiên,

Ngừa quân trộm cướp lúc nửa đêm,

Ngăn phường ác độc không nhòm ngó,

Cho nhà có phúc hưởng bình yên.

 

Xin Ngài đi rẻo canh chừng cho

Vườn nhỏ, ao con nước lặng lờ,

Ruộng rau đôi luống gầy xơ xác,

Bờ rào xiêu vẹo, cổng đơn sơ.

 

Xin quý sườn đồi mướt xanh tươi

In dấu chân nhàn lúc dạo chơi,

Vòm mát rừng sồi, phong cổ thụ –

Đó nguồn cảm hứng Nàng Thơ tôi [2].

 

Trong công trình cơ bản hơn 500 trang của GS B.Gorodetski –Thơ trữ tình của A.Puskin, khi bình về bài Khấn ngài Thổ công, ông coi đây đơn thuần là “những ấn tượng mục đồng (pastoralnưe) về làng quê và thiên nhiên Nga”[3]. Các chi tiết thì quả là được vẽ lên bằng những đường nét và mầu sắc mục đồng: ngôi nhà xinh xắn, thảm cỏ xanh, mảnh vườn với đôi luống rau, cái ao con nước lặng lờ… Nhưng ở Puskin, lời cầu khấn Thổ công không chỉ là một hình thức nghệ thuật độc đáo để vẽ “bức tranh mục đồng” nhằm ca ngợi “hạnh phúc tự nhiên của con người tự nhiên” kiểu Rousseau; đối thoại với thần linh không chỉ là thủ pháp tăng hiệu quả truyền cảm mà thơ ca trường phái lãng mạn thường dùng. Đối với trường hợp Puskin, trong bài thơ trên đây và trong nhiều tác phẩm khác, hướng tới cõi tâm linh còn là một thành tố nội dung tư tưởng-tình cảm của bài thơ: đó là niềm tin rằng con người sẽ được sự che chở, phù trợ của thiên nhiên, kể cả của thần linh một khi con người ở hiền trên đất tổ tiên, yêu mái ấm gia đình, biết quý trọng và sống hài hòa với thiên nhiên, tránh xa điều bất nhân, ác độc – một cảm quan rất phương Đông!

 

Liệu ý kiến trên đây có phải là kết quả suy diễn chủ quan, là sự gán ghép cho Puskin không – đặc biệt là niềm tin vào cõi tâm linh! Thiết nghĩ là không.

 

Trước hết, không ít người đương thời đã ghi lại một số chi tiết chứng tỏ Puskin có tin vào cõi tâm linh bí ẩn. Nữ công tước E.Dolgorukova kể lại về lễ cưới của Puskin với  Natalia Gontrarova ngày 18 - 2 - 1831: “Trong lúc làm hôn lễ ở nhà thờ, khi cặp tân hôn đi quanh bục thánh thì ngẫu nhiên cây thánh giá và quyển kinh Phúc âm bị rơi xuống đất. Puskin tái mặt đi. Sau đó cây nến trong tay nhà thơ lại tắt. Puskin lẩm bẩm: Toàn điểm gở hết…”. Nếu bảo bà công tước này quá giầu tưởng tượng thì đây – hai câu kết trong bài thơ Điềm báo, viết ít lâu trước khi nhà thơ kết hôn với giai nhân cố đô Moskva:

Như vậy đó: điềm gở may mê tín

Thường trùng hợp cùng xúc cảm tâm hồn.

 

Nếu lại bảo đó chỉ là cấu tứ của nhà thơ trong sáng tác, thì đây – lời chứng của chính Puskin về việc ông tin vào một số điều lý trí con người không giải thích được: “Tôi đánh rơi đồng xu bạc ở nhà anh. Nếu tìm thấy thì gửi trả tôi. Anh không tin nó có thể mang lại hạnh phúc, nhưng tôi tin” (A.Puskin: Thư gửi P.V.Nasokin từ Peterburg ngày 8 - 10 - 1832).

 

Phải chăng điều này có thể lý giải tại sao trong nhiều tác phẩm của Puskin những điềm này nọ luôn luôn đóng vai trò cấu trúc tiền định trong tác phẩm, thường là dự báo sự kiện quyết định số phận nhân vật:

 

 - Cơn ác mộng của tu sĩ Grigori (kịch Boris Godunov, 1825), lặp đi lặp lai 3 lần cảnh y leo thang dựng ngược lên tận đỉnh tháp chuông nhà thờ, phút chốc được thấy cả kinh thành Moskva như phủ phục dưới chân y, rồi ngã lao đầu từ độ cao khủng khiếp xuống đất – báo trước cuộc phiêu lưu quyền lực tột đỉnh (trở thành Nga hoàng Dmit’ri Mạo Danh I) và kết cục bi thảm của y (không được nhân dân ủng hộ - “Dân chúng im lặng” - nên lên ngôi chưa được một năm đã bị giết).

 

 - Giấc mơ của nàng Tachiana Larina (Evgheni Oneghin, 1828) lạc vào rừng thẳm tuyết dày và chứng kiến cảnh Oneghin mà nàng yêu vô vọng, đâm chết Lenski, bạn của chàng và là người yêu của Olga, em gái Tachiana,  báo trước xung đột giữa hai nhân vật này và cái chết của Lenski bởi tay Oneghin trong cuộc đấu súng vì Olga..

 

- Ba lần viếng thăm Mozart (Mozart và Sallieri, 1830) của vị khách hàng mặc toàn đồ đen đến đặt nhạc sĩ thiên tài sáng tác cho khúc cầu hồn (Requiem) rồi không đến lấy bản nhạc, khiến nhạc sĩ bị ám ảnh bởi cảm giác bất an, hóa ra đã tiền định đó là khúc cầu hồn cho chính Mozart bị nhạc sĩ bất tài đố kỵ Salieri đầu độc.

 

- Giọng ca gở của người con gái trẫm mình (Nàng tiên cá, 1832), cất lên giữa đám cưới của chàng hoàng tử bội tình, báo trước điều chẳng lành: chàng bị các nàng tiên cá dìm chết ở chính nơi người con gái nọ đã quyên sinh.

 

Chúng tôi không bàn ở đây về chuyện như vậy là linh nghiệm hay không, là mê tín hay không. Điều chúng tôi muốn lưu ý là: bất chấp học vấn Âu hóa duy lý (ở Puskin học vấn này quả là sâu rộng! – xin đọc phần tác phẩm chính luận và phê bình của đại thi hào, lần đầu tiên được TT Đông Tây giới thiệu trong Tuyển tập lần này, tiếc rằng mới chỉ có thể trích đoạn), tôn sùng một chiều lý trí con người “chinh phục”, “chiến thắng”, “chế ngự” v.v… thiên nhiên, Puskin vẫn giữ một niềm tôn kính đối với thiên nhiên, Trời, Đất, Quỷ, Thần – những điều Trí không giải được, nhưng Tâm – cảm được, nên Tin được. Mà Niềm tin, đương nhiên khi kết hợp với lý trí sáng suốt, chứ không phải cuồng tín) là cơ sở của Đạo đức – một điều mà cả ở phương Tây lẫn phương Đông người ta đang nhận thức lại, sau khi đã và đang trả giá đắt cho sự duy lý và duy ý chí của mình.

*

Cái cảm quan phương Đông như một mạch ngầm thấm đậm tư duy nghệ thuật của Puskin thể hiện rất rõ nét trong chủ đề muôn thuở của thơ ca – chủ đề tình yêu.

 

Puskin chẳng những đã tiếp thu qua học đường và, chủ yếu, qua tự học suốt đời, một học vấn Âu hóa duy lý sâu rộng (tuy nhiên, như trên đã trình bày, nhà thơ không hề vì vậy mà đứt đoạn với những cội nguồn truyền thống phương Đông), mà còn được giáo dục theo tinh thần giải phóng cá nhân, tự do cá nhân, kể cả tự do luyến ái của phương Tây, và không phải không chịu ảnh hưởng của nền giáo dục đó. Mọi người đều biết thời trai trẻ Puskin từng có nhiều mối tình với nhiều người đẹp – từ thiếu nữ 15 - 16 tuổi đến mệnh phụ hơn chàng cả chục tuổi, từ bá tước phu nhân của vị tướng Tổng trấn đô thành Novorossisk kiêm Toàn quyền xứ Bessarabia mà nhà thơ đang phục vụ dưới quyền, đến cô ca kỹ vô danh trong đoàn Zigan. Kết quả tinh thần của vài mối tình sâu sắc là những bài thơ tình tuyệt tác đã được ngườì ta nghiên cứu toàn diện, từ hoàn cảnh sáng tác, chủ đề tư tưởng, bút pháp nghệ thuật đến tên tuổi và cuộc đời các giai nhân ẩn sau từ “Gửi” với 3 dấu hoa thị *** v.v…

 

Trong bản tham luận này chúng tôi muốn bàn luận về một khía cạnh chưa ai đề cập về chủ đề tình yêu trong thơ ca của Puskin, đó là: từ tự do luyến ái Puskin đã đi đến, hay nói đúng hơn là tìm đường trở lại sự hài hòa truyền thống phương Đông: Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình.

 

Trong bài Khấn ngài Thổ công Puskin có nhắc tới “mái ấm gia đình”. Có thể nói, trong tâm thức của nhà thơ không bao giờ ngừng le lói lý tưởng về mái ấm gia đình – sự hài hòa tình yêu và hôn nhân, bởi vậy ngay thời còn đang lao vào những cuộc tình tự do luyến ái, ông vẫn kêu gọi: “Hãy gìn giữ đôi trái tim chung thủy / Cho giao hoan hợp pháp, ngượng ngùng!” Đọc câu thơ này của Puskin ta bất giác liên tưởng đêm đầu tiên của cặp tân hôn giáo Thứ trong tiểu thuyết của Nam  Cao…

 

Tuy nhiên, trong cuộc đời, ở phương Tây hay phương Đông thì cũng vậy thôi, không phải bao giờ cũng đạt được sự hài hòa lý tưởng. Puskin đã khái quát thực tế đó trong tiểu thuyết bằng thơ Evghenin Oneghin, qua câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình của Tachiana Larina. Tác giả không giấu diếm cảm tình của mình với nhân vật bằng những lời thơ trìu mến yêu thương: “Tachiana! Ôi Tachiana tội nghiệp! Ta cũng đang rơi lệ cùng nàng…”. Nhà thơ Anh Ngọc gọi Tachiana của Puskin là “nàng Kiều nửa Tây, nửa Đông”. Có lẽ đây là một trong những hình tương phụ nữ đẹp nhất trong văn học cổ kim Đông Tây. Tachiana trong trắng, hiền thục, gắn bó với thiên nhiên, kể cả với cõi tâm linh Nga, với niềm tin ngây thơ vào mộng mi, bói toán. Nàng có đời sống nội tâm phong phú, lãng mạn, khi yêu thì tha thiết nhưng e ấp, đoan trang, thủy chung trong mối tình đầu với Oneghin, nhưng khi đã được gả chồng thì kiên trinh tiết hạnh, quyết giữ mái ấm gia đình. Rõ ràng thông qua nhân vật nữ mà ông yêu quý nhất, khi xử lý xung đột giữa Tình và Nghĩa, một vấn đề muôn thuở trong văn học cả Đông lẫn Tây, Puskin đã tuân theo truyền thống phương Đông: trọng Nghĩa hơn Tình vì mái ấm gia đình.

 

Bản thân Puskin suốt đời đi tìm sự hài hòa lý tưởng Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình, và khi gặp “giai nhân cố đô Moskva” Natalia Gontrarova, một thiếu nữ tuổi trăng tròn có vẻ đẹp hiền thục, nhà thơ nghĩ là đã được ban cho cái hạnh phúc thần tiên – sự hài hòa lý tưởng ấy:

 

Đức Mẹ Đồng Trinh

 

Tôi không treo trong trai phòng đạm bạc

Những bức tranh của danh họa cổ xưa,

Để khách thăm phải tôn kính sững sờ

Đứng lặng nghe lời phẩm bình uyên bác.

 

Trong góc đơn sơ bộn bề sách vở

Tôi hằng mong chiêm ngưỡng một bức tranh:

Dõi nhìn tôi hiền dịu từ mây xanh

Mẹ Đồng Tring bồng Hài Đồng Cứu Thế.

 

Nàng trang nghiêm, ánh mắt Người thông tuệ

Trong hào quang thanh thoát vẻ nhân từ,

Dưới gốc cọ Xiôn lặng lẽ ưu tư,

Chỉ hai người, không thiên thần hộ vệ

 

Điều ước nguyện giờ đây thành sự thật:

Tạo hóa ban em giáng tự trên trời,

Tuyệt tác hình người đẹp xinh, thanh khiết,

Em – Đức Mẹ Đồng Trinh của lòng tôi.

 

Đó không phải là lời hoa mỹ nịnh người đẹp, càng không phải “chỉ là sự thừa nhận vẻ đẹp hoàn mỹ hơi lạnh lùng của vị hôn thê”, như GS Gorodetski nhận định [4]. Phải hơn ba chục năm sau, khi ở nước ngoài đã công bố những tư liệu trả lại thanh danh cho người vợ hiền thục của thi sĩ, GS N.Ckatov, Giám đốc Viện Văn học Nga, mới có thể viết: “Đối với  Puskin hình tượng Đức Mẹ Đồng Trinh như lý tưởng về nữ tính vốn dĩ rất gần gũi. Ông tức khắc nhận ra cội nguồn đó ở cô thiếu nữ 16 tuổi. Cũng là tức khắc nhận ra người mẹ tương lai của những đứa con mình – một điều nàng đã khẳng định được ngay sinh thời Nhà thơ, và còn thể hiện sâu sắc hơn nữa sau khi ông mất. Vậy là cả trong việc này, Nhà thơ đã không hề sai lầm” (chúng tôi nhấn. – VTK) [5]

 

Chùm thơ bốn bài, hai bài (Đức Mẹ Đồng Trinh, 1830; Khi ôm trong vòng tay, 1830) sáng tác khi đang yêu Natalia Gontrarova, và hai bài (Không, anh không nuối tiếc tình hoan lạc, 1831; Không, không!Tôi không dám, không nên, không thể, 1832) – sau khi đã gắn bó số phận mình với nàng, thể hiện những cảm nghĩ chân thành của một người khao khát một mái ấm gia đình, sau nhiều năm lênh đênh biển tình quyết tâm cập một bến đỗ xây dựng vững bền trên cơ sở sự hài hòa Tình và Nghĩa. Minh chứng cho sự chân thành của các vần thơ này là những trang thư riêng của chính nhà thơ mà nhiều dòng có thể lấy nguyên văn làm chú thích cho các bài thơ liên quan đến Natalia Gontrarova-Puskina, hình mẫu lý tưởng của nhà thơ về sự hài hòa Tình yêu-Hôn nhân-Gia đình. Xin đơn cử vài ví dụ:

 

- “Tôi đã lấy vợ và hạnh phúcTâm trạng tôi giờ đây thật mới mẻ, tôi có cảm giác là mình đã tái sinh” (Thư gửi P.A.Pletniov, ngày 24 - 2 - 1831).

 

-“Em có hay soi gương không đấy? Và đã tin là không gì trên thế gian này xứng với mặt em chưa? Nhưng tâm hồn em, anh còn yêu hơn nhiều. Chào em, thiên thần của anh, hôn em nồng thắm” (Thư gửi vợ, ngày 23 - 8 - 1833).

 

- “Cái gia đình tôi đang mỗi năm một đông ra, lớn lên, nô đùa ầm ĩ quanh tôi. Giờ đây có lẽ chẳng còn cớ gì mà trách cứ cuộc đời, và cũng chẳng việc gì phải lo ngại tuổi già. Kẻ độc thân thật đáng buồn ở đời, hắn lấy làm bực mình mỗi khi nhìn thấy thế hệ mới tươi trẻ; chỉ có người cha của một gia đình mới ngắm nhìn không ghen tức lớp trẻ vây quanh ông ta. Như vậy có nghĩa là chúng ta đã làm một việc rất tốt là lấy vợ”. (Thư gửi P.Nasiokin, 10 - 01 - 1836) [6].

 

Vốn tự nhận là “kẻ đa tình”, ngay cả sau khi đã kết hôn, nhà thơ không phải không có, như chính ông thú nhận trong một số bài thơ rất riêng tư, những “giây lát ước ao”, “khao khát vẩn vơ” trước những người đẹp tươi trẻ khác. Cũng năm 1835, cùng với những dòng thư gửi bạn thân Nasiokin, khẳng định tình nghĩa vợ chồng đằm thắm của ông với Natalia, 4 năm sinh với nhau 3 đứa con, Puskin còn có bài thơ nhỏ chân thành:

 

Tôi tưởng tim đã quên

Thói thường hay đau khổ,

Qua rồi bao chuyện cũ,

Không khi nào vẵn hồi;

Trải rồi khổ và vui

Cùng mộng mơ thoảng nhẹ…

Nào ngờ sắc tươi trẻ

Lại khiến tim xốn xang!

 

Có lẽ đó là thường tình, là rung động thật của trái tim con người. Nhưng một khi đã có gia đình thì con người phải gánh lấy trách nhiệm về sự êm ấm, bình yên của mọi người trong cái tế bào xã hội đó. Chính nhà thơ khẳng định: “Sự phụ thuộc vào cuộc sống gia đình làm cho con người trở nên có đạo đức hơn”. (Thư gửi vợ ngày 8  6  1834). Từ niềm xác tín đó, Puskin đã xử lý mâu thuẫn Nghĩa - Tình trong gia đình theo truyền thống phương Đông trọng Nghĩa hơn Tình không chỉ trong tiểu thuyết bằng thơ Evgheni Oneghin – “cuốn bách khoa thư về cuộc sống Nga” (V.Belinski) mà ngay cả trong cuộc sống gia đình của chính mình. Có thể nói rằng tác giả đã noi gương nhân vật Tachiana Larina yêu quý của ông. Một năm sau khi lấy Nattalia, có lẽ lại bị “thói thường” của trái tim đa tình quyến rũ, nhà thơ đã tự răn:

 

Không, không, tôi không dám, không nên, không thể

Lại si mê tình ái đắm say;

Sự bình yên tôi nghiêm giữ từ nay,

Quyết không cho trái tim này bốc lửa…

(Gửi***, 1832)

 

Nhưng… Sự đời không phải bao giờ cũng xảy ra như mong muốn. Theo những thư từ của Dantès, kẻ đã bắn tử thương Puskin trong cuộc đấu súng vì vợ ông, mãi đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, mới được chắt nội của y cho phép nhà Puskin học người Ý là bà Serena Vitalê công bố trong công trình của mình về thi hào Nga. Nhà khoa học Nga đầu tiên tiếp cận được công trình đó không phải chuyên gia khoa học xã hội và nhân văn, vốn rất ít được xuất ngoại dười thời Liên Xô, mà là tiến sĩ toán-lý V. Fridkin. Trong loạt bài của mình đăng trên các tạp chí khoa học, ông đã trích đăng thư từ của Dantès gửi cha nuôi là nam tước Hekkeren về mối tình của y với vợ Puskkin, cung cấp cho giới Puskin học Nga những tư liệu xác thực để phân tích, đánh giá lại nhân quả của cuộc đấu súng định mệnh và nhân cách của Natalia Gontrarova-Puskina.

 

Hóa ra, bước vào hôn nhân ở tuổi 18 với nhà thơ nổi tiếng, Natalia chủ yếu muốn làm ngược ý bà mẹ khắc nghiệt và thoát khỏi không khí bức bối trong gia đình, chứ chưa có tình yêu thực sự với ông. Chính Puskin trong bức thư cầu hôn bằng tiếng Pháp gửi nhạc mẫu tương lai cũng công nhận điều đó: “Chỉ thói quen và cuộc sống riêng tư dài lâu (L’abitude et une longue intimmité) mới có thể giúp tôi gây được cảm tình ở tiểu thư nhà; tôi có thể hy vọng với thời gian sẽ khơi dậy ở nàng sự quyến luyến, những vẫn không thể làm cho nàng yêu thích được tôi về bất cứ điểm gì (mais je n’ai rien pour lui plaire). Nếu như  giờ đây tiểu thư đồng ý trao tay cho tôi, thì tôi sẽ nhận thức điều đó mới chỉ là bằng chứng về sự thờ ơ bình thản của trái tim nàng (la preuve de la tranquille indifférence de son coeur)” (Thư gửi phu nhân N.I.Gontrarova ngày 5 - 4 - 1830) [7]. Tiếc rằng không còn thư từ Natalia gửi chồng để nhận định nhà thơ đã thành công đến đâu trong việc “gây cảm tình” và “khơi dậy quyến luyến”, nhưng ông đã linh cảm đúng: sau 6 năm chung sống và có với nhau 4 mặt con, ông vẫn chưa thể làm cho trái tim của vợ rung động vì mình. Có thể nói, cho đến khi Dantès xuất hiện cuộc hôn nhân của họ mới chỉ là sự hài hòa Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình từ một phía Puskin.

 

Nhưng GS Skatov vẫn hoàn toàn đúng khi khẳng định rằng Puskin không hề sai lầm khi chọn Natalia làm vợ và mẹ những đứa con của mình: cũng như “nàng Kiều nửa Đông nửa Tây” Tachiana, vợ Puskin dẫu không yêu (nói chính xác hơn: chưa yêu, - xem dưới đây - VTK) nhưng đã không phản bội chồng, kiên quyết bảo vệ mái ấm gia đình của mình . Bằng chứng chính là những bức thư của Dantès gửi bố nuôi – sứ thần Hà Lan nam tước Hekkeren. Y cay đắng và khâm phục thú nhận: “Nàng chưa từng yêu ai mãnh liệt hơn yêu con, và thời gian gần đây có không ít cơ hội, khi nàng có thể hiến dâng cho con tất cả, vậy mà, thưa cha yêu quý – chẳng bao giờ có gì hết! Sẽ không bao giờ trong đời! Nàng kiên nghị hơn con gấp nhiều lần, có đến hơn chục lần nàng xin con hãy thương nàng cùng lũ trẻ và tương lai của nàng…, trong giây phút ấy nàng thật tuyệt đẹp, đến nỗi có thể tưởng như một thiên thần vừa mới giáng từ trên trời. Trên thế gian này có lẽ không một người đàn ông nào lại không nhượng bộ nàng trong khoảng khắc ấy, nàng khiến người ta phải khâm phục” (Thư Dantès gửi cha nuôi Hekkeren ngày 6  3  1836. – VTK nhấn) [8].

 

Cho nên, theo chúng tôi, sau khi được Natalia cho biết hết sự thật và chứng minh tiết hạnh của mình bằng cách trao tất cả thư của tình nhân cho chồng, Puskin vẫn đấu súng với Dantès không phải vì ghen tuông với tình địch, cũng chẳng phải vì thất vọng sâu sắc về “sự sụp đổ của thành trì gia đình”, như một số người khẳng định. Qua thư từ Puskin gửi vợ có thể thấy rằng từ lâu ông đã linh cảm mối nguy hiểm đe dọa “mái ấm gia đình” của ông, nhằm vào “cô vợ nhỏ” có “gương mặt thiên thần”, “trái tim vô cùng nhạy cảm” và “tâm hồn thanh khiết” (toàn mỹ từ của Puskin gọi Natalia!), nhưng còn quá non nớt của ông. Thì bây giờ mối nguy hiểm đó đã hiện nguyên hình là một tên công tử phóng đãng, đại diện cho cái triết lý tự do cá nhân truyệt đối và vị kỷ, đã yêu nhau thì có quyền trao thân gửi phận cho nhau, bất chấp mọi nghĩa vụ đang gánh vác, mọi chuẩn mực đạo đức đã chấp nhận. Trước mối nguy hiểm ấy, vợ ông, một nữ nhi tuyệt sắc, lần đầu được biết đến tình yêu say đắm (xin nhắc lại: Natalia lấy chồng mà trái tim vẫn còn “thờ ơ bình thản”), nhưng đã quyết hy sinh Tình trai gái vì Nghĩa vợ chồng và mái ấm gia đình, thì ông, một đấng trượng phu, phải đưa ngực ra che chắn cho nàng, ngăn chặn kẻ đầy dục vọng bỉ ổi, bất chấp sự kiên trinh và mọi lý lẽ khước từ hợp đạo làm người của nàng mà chính y cũng phải khâm phục, vẫn rắp tâm chiếm đoạt tiết hạnh của thiên thần đoan trang và phá hoại hạnh phúc của người. Puskin thừa hiểu việc Dantès vội vã, không hề yêu mà cưới Katerina, chị ruột của vợ ông, không những không loại trừ mà còn tăng thêm mối hiểm họa đối với “mái ấm gia đình” của ông. Nhà thơ không còn sự lựa chọn nào khác: không một mất, một còn với kẻ như vậy, mái ấm gia đình của ông sẽ trở thành một “địa ngục” – như lời ông tiên đoán trong thư cầu hôn gửi nhạc mẫu tương lai. Cũng trong thư đó, ông đã viết trong trường hợp ấy, ông “có thể chết vì nàng”. Giờ là lúc làm điều đó. Quyết đấu, ông có thể chết, nhưng với sự thú nhận chân thành và tỉnh ngộ của Natalia, ông tin mái ấm gia đình của ông sẽ được bảo toàn, vợ con ông, dẫu đau đớn, vẫn có thể ngẩng cao đầu mà sống. Điều này giải thích thái độ bình tĩnh của Puskin trong ngày quyết đấu và cách cư xử của ông với vợ trong những ngày hấp hối vì bị bắn tử thương:

 

- “Không một ai trong chúng tôi được chứng kiến những ngày cuối cùng, lại dám nghi ngờ về sự vô tội của Natalia, cũng như về tình yêu Puskin vẫn giữ nguyên vẹn với nàng”. – Những lời này ở miệng bác sĩ Arent vô cùng quý giá, bởi ông là một người không có mối quan hệ riêng tư nào với Puskin…” (Thư của Công tước P.A.Viazemski gửi Davưdov ngày 5 - 2 - 1837).

 

- “Vĩnh biệt vợ, Puskin nói với nàng: “Em hãy về sống ở làng quê, để tang anh 2 năm, rồi đi lấy chồng, nhưng phải lấy một người đứng đắn”. (P.I.Bartenev – Theo lời Nữ công tước V.F.Viazemskaia).

 

Tuy nhiên, với cuộc quyết đấu định mệnh, Puskin đã làm được hơn thế: ông đã biến ước mơ lý tưởng thành hiện thực, bởi vì nếu bằng cuộc sống của mình, với tất cả sự chăm chút, yêu chiều vợ, nhà thơ vẫn chưa thể (hay chưa kịp?) làm cho Natalia yêu ông, thì bằng cái chết để bảo vệ tiết hạnh của nàng, ông đã đạt được điều đó. Đọc kỹ lời chứng của những người có mặt bên Puskin và vợ ông trong những ngày nhà thơ hấp hối, cũng như của những người từng chứng kiến cuộc sống của Natalia vì con cái Puskin sau này, có thể thấy rằng: Natalia chỉ thực sự tin vào tình yêu mãnh liệt của chồng và bắt đầu đáp lại tình yêu ấy trong và sau khi vĩnh viễn mất ông!

 

Thi hào Nga vĩ đại đã lấy cái chết để chứng minh rằng:

 

Có thể đạt được lý tưởng truyền thống của phương Đông về sự hài hòa Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình.

 


[1] Puskin ở ngoai quốc phương Đông (Puskin v stranakh zarubejnovo vostoka). – Viện phương Đông học, NXB Nauka, 1979.

[2] Các dòng thơ, văn trong tham luận này không ghi tên dịch giả, đều do chúng tôi thực hiện. - VTK

[3] B. Gorodetski: Thơ trữ tình của Puskin (Lirika Puskina). – NXB Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, M-L, 1962, tr.189.

[4] B.Gorodetski, sđd, tr.387

[5] N.Skatov: Nhà thơ và Đức Mẹ Đồng Trinh (Poet i Madona ). – Báo Kultura, ngày 6 - 6 - 1998.

[6] A.Puskin: Toàn tập tác phẩm. – NXB Nauka, L.1979, T.10, các tr.265

[7] A.Puskin, sđd, tr.218

[8] Dẫn theo: V.Fridkin. 1) Cái vali của Dantès. – Tạp chí Nauka I gizni, số 10 – 1996; 2) Vì sao Puskin chết? (Theo chứng từ trong tài liệu của Dantès ở Paris). – Literaturnaia gazeta, các số 1,2,3 năm 1999.


Bình luận:

Gửi chia sẻ của bạn:

Họ tên:
Email:
Nội dung:

(*)
Tin liên quan

CÁC BÀI VIẾT VỀ A.X. PUSKIN

CÁC BÀI VIẾT VỀ A.X. PUSKIN 1.     Xem chi tiết

Tiểu sử và tác phẩm của A.X. Puskin

Aleksandr Xergeyevich Pushkin (tiếng Nga : Александр Сергеевич Пушкин 1799 –  Xem chi tiết

Hình ảnh - Sự kiện
khu vui chơi trẻ em hà nội | Nội thất đẹp | thuê áo dài