Wednesday, 02 - 04 - 2025 09:33:40
Hội nghị quốc tế về bảo tồn ngôn ngữ bản địa

Trong ba ngày từ 5 - 7/7/2022, Hội nghị quốc tế cấp cao với chủ đề “Kho tàng tiếng mẹ đẻ của thế giới: Nuôi dưỡng và trân trọng. Bảo tồn ngôn ngữ bản địa trong bối cảnh, chính sách và thực tiễn trong nước và quốc tế” đã diễn ra thành công tốt đẹp tại thủ đô Moskva, Liên bang Nga.

 

 

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: BTC

 

Hội nghị “Kho tàng tiếng mẹ đẻ của thế giới: Nuôi dưỡng và trân trọng. Bảo tồn ngôn ngữ bản địa trong bối cảnh, chính sách và thực tiễn trong nước và quốc tế” (World Treasury of Mother Tongues: Nourish and Cherish. National and International Context, Policies and Practices to Preserve Indigenous Languages) do Cơ quan Dân tộc Liên bang Nga, Ủy ban Chương trình Thông tin cho Mọi người (IFAP) UNESCO Nga, và Trung tâm Hợp tác Thư viện Liên vùng phối hợp tổ chức.

 

Đây là sự kiện đánh dấu việc triển khai “sáng kiến” của Liên hợp quốc về “Thập kỷ Quốc tế về Ngôn ngữ Bản địa” (IDIL) giai đoạn 2022 - 2032 tại Liên bang Nga, theo Phái đoàn thường trực Liên bang Nga bên cạnh UNESCO.

 

Sáng kiến “Thập kỷ Quốc tế về Ngôn ngữ Bản địa” đem đến cơ hội quý báu để các bên phối hợp hành động, tìm cách thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên quyền con người và bình đẳng giới, kêu gọi một cách tiếp cận nhất quán và phối hợp hiệu quả để tạo ra chuyển biến tích cực trong việc lồng ghép các ngôn ngữ bản địa vào đời sống xã hội.

 

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, ông Igor Barinov, Người đứng đầu Cơ quan Dân tộc Liên bang Nga và Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc gia về thực hiện “Thập kỷ Quốc tế về Ngôn ngữ Bản địa” ở Liên bang Nga, nhấn mạnh: “Đa dạng ngôn ngữ là kho báu và tài sản quốc gia của chúng ta và việc bảo tồn ngôn ngữ là một ưu tiên dài hạn. Những nhiệm vụ này được phản ánh trong Hiến pháp của Liên bang Nga, luật Liên bang và khu vực”.

 

Đối với các nhiệm vụ thực hiện “Thập kỷ Quốc tế về Ngôn ngữ Bản địa” tại Liên bang Nga, ông Igor Barinov lưu ý: “Ngôn ngữ là một hệ thống sống, luôn vận động và phát triển. Chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan về các quá trình đang diễn ra. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, từ việc cải thiện pháp luật, quản trị công, đào tạo nhân lực, đến huy động sự tham gia hơn nữa của xã hội, các nhà vận động và các công ty công nghệ cao”.

 

Hội nghị lần này thu hút sự tham gia đông đảo các chuyên gia đầu ngành từ khoảng 50 quốc gia, với hơn 80 báo cáo và bài phát biểu, tham luận được đưa ra tại Hội nghị. Đại diện phía Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Đạt - Giám đốc Phân viện Puskin trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có bài tham luận được đánh giá cao và chủ trì phiên họp chuyên sâu về quảng bá tiếng Nga trên thế giới.

 

Trong suốt 3 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi trong các phiên toàn thể với nhiều nội dung hấp dẫn, có chuyên môn và tính thời sự cao.

 

Riêng ngày 5/7, Hội nghị diễn ra 3 phiên thảo luận toàn thể với các chủ đề: “Đa ngôn ngữ trong thế giới hiện đại”, “Chính sách ngôn ngữ: Tầm nhìn và mục tiêu”, “Ngôn ngữ trong không gian mạng và cách tiếp cận thông tin”.

 

Sang ngày 6/7, các đại biểu tiếp tục phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Ngôn ngữ trong không gian mạng và cách tiếp cận thông tin”, cùng với 3 phiên thảo luận toàn thể khác về các chủ đề: “Đa dạng ngôn ngữ, giao tiếp liên văn hóa trong đời thực và thế giới số”; “Bảo tồn ngôn ngữ bản địa: Vai trò của các thể chế và sáng kiến của khu vực công”; và “Ngôn ngữ trong giáo dục”.

 

 

TS. Nguyễn Thị Thu Đạt - Giám đốc Phân viện Puskin - trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: BTC

 

Đặc biệt, tại phiên họp toàn thể về chủ đề “Ngôn ngữ trong giáo dục”, TS. Nguyễn Thị Thu Đạt - Giám đốc Phân viện Puskin - đã có bài tham luận “Những ưu thế của đa ngôn ngữ trong cuộc sống cũng như giáo dục hiện đại và việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ”.

 

Trong bài tham luận, TS. Nguyễn Thị Thu Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng, dạy và gìn giữ tiếng mẹ đẻ cùng với văn hoá dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam các thế hệ ở nước ngoài - một vấn đề đang được các cơ quan, ban ngành, chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài đang nỗ lực cùng với cộng đồng người Việt thực hiện việc quảng bá tiếng Việt và văn hoá Việt ở nước ngoài. 

 

Đến ngày 7/7, Hội nghị tiếp tục chương trình làm việc với 3 phiên thảo luận toàn về các chủ đề: “Đa ngôn ngữ tại Nga: Chính sách và thực tiễn hỗ trợ các ngôn ngữ bản địa”;  “Tiếng Nga và vai trò của tiếng Nga trên thế giới: Quá khứ, hiện tại và tương lai”; và “Đa ngôn ngữ và sự phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa: Cơ hội và thách thức”.

 

 

TS. Nguyễn Thị Thu Đạt - Giám đốc Phân viện Puskin - điều phối phiên họp toàn thể “Tiếng Nga và vai trò của tiếng Nga trên thế giới: Quá khứ, hiện tại và tương lai” tại Hội nghị. Ảnh: BTC

 

Trong phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Tiếng Nga và vai trò của tiếng Nga trên thế giới: Quá khứ, hiện tại và tương lai” dưới sự dẫn đề và điều phối của TS. Nguyễn Thị Thu Đạt, các đại biểu đã đưa ra đánh giá về tình hình sử dụng tiếng Nga ở các nước thuộc Liên Xô cũ và trên thế giới hiện nay.

 

Quyền viện trưởng Viện tiếng Nga quốc gia mang tên Pushkin Natalia Trukhanovxkaija đã nêu tổng quan về tình hình dạy, học tiếng Nga như ngoại ngữ, đưa ra các đề nghị cụ thể và kêu gọi các cơ quan hữu quan chung tay đẩy mạnh phổ biến tiếng Nga trên thế giới.

 

Các tác giả, trong bài tham luận của mình, đã đề cập tình hình ở các nước như Kazakhstan, Kyrgyzstan … nơi tiếng Nga đang ngày càng ít được lựa chọn hơn để học trong các trường học; ngược lại, ở Syria, nhu cầu học tiếng Nga đang tăng lên…

 

Đánh giá chung về Hội nghị, ông Tawik Jelassi - Trợ lý truyền thông và thông tin của Tổng Giám đốc UNESCO - cho rằng Hội nghị là cơ hội tốt để chia sẻ kiến thức và những kinh nghiệm thực tiễn về giữ gìn và bảo tồn các ngôn ngữ bản địa, góp phần thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc về “Thập kỷ Quốc tế về Ngôn ngữ Bản địa” giai đoạn 2022 - 2032.

 

Tại Nga, Hội nghị sẽ diễn ra hai năm một lần trong khuôn khổ Kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn nhằm hưởng ứng “Thập kỷ Quốc tế về Ngôn ngữ Bản địa” tại Liên bang Nga trong giai đoạn 2022 - 2032, theo Sắc lệnh số 204-r được Chính phủ Liên bang Nga ban hành ngày 9/2/2022.

BBT Phân viện Puskin

 


Bình luận:

Gửi chia sẻ của bạn:

Họ tên:
Email:
Nội dung:

(*)
Tin liên quan

Cuộc thi “Em vẽ Việt Nam - Em vẽ nước Nga”: Sân chơi ươm mầm sáng tạo

Qua sáu lần tổ chức và đón nhận hàng trăm tác phẩm dự thi từ các “họa sĩ nhí”, Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế “Em vẽ Việt Nam - Em vẽ nước Nga” ngày càng khẳng định rõ vai... Xem chi tiết

Ngày tiếng Nga trên toàn thế giới và ngày sinh của đại thi hào Nga A.X. Puskin

“A.X. Puskin và tiếng Nga là hai mắt xích không thể tách rời” Xem chi tiết

"Artek - Thế giới của tuổi thơ"

    «КОМАНДА АРТЕКА - КОМАНДА СТРАНЫ»!    Xem chi tiết

Trao giải Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế “Em vẽ Việt Nam - Em vẽ nước Nga” lần thứ VI

Ngày 23/5/2022, Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế “Em vẽ Việt Nam – Em vẽ nước Nga” lần thứ VI đã được tổ chức tại Phân viện Puskin, Hà Nội. Xem chi tiết

Hình ảnh - Sự kiện
khu vui chơi trẻ em hà nội | Nội thất đẹp | thuê áo dài