VLADIMIR VYSOTSKY
- NGƯỜI NGHỆ SĨ "LAO VÀO CƠN GIÔNG"
-Thụy Anh-
Vladimir Vysotsky sinh năm 1938 tại Matxcơva, và mất ở tuổi chín muồi trong sáng tạo - tuổi 42. Nhưng không chỉ cái chết, mà cả sự sống động sôi nổi của những bài hát và hình ảnh quen thuộc chưa hề vắng bóng trên truyền hình trong những bộ phim được chiếu đi chiếu lại, đã khiến Vysotsky, đến giờ vẫn như còn là chàng nghệ sĩ trẻ xông xáo trên mọi “mặt trận” sáng tác, người muốn “giằng đứt chiếc cổ dề bằng bạc/ Xích vàng sẽ cắn nát tan, Nhảy bổng qua hàng giậu, lao vào rặng ké/Mạng sườn gãy/ Và tôi chạy vào cơn giông”…
Quả vậy. Sau khi tốt nghiệp khóa diễn viên của nhà hát hàn lâm nghệ thuật Matxcơva mang tên Chekhov, Vysotsky hăm hở lao vào hiện thực cuộc sống. Anh làm thơ, viết bài hát, diễn ở nhà hát và đóng phim, là tác giả của trên dưới 700 bài thơ, bài hát, có gần 30 vai diễn để đời trong lịch sử điện ảnh Xô Viết. Anh còn viết văn. Và viết khá nhiều nhưng chưa từng xuất bản sáng tác nào khi còn sống: truyện ngắn, truyện vừa và những cuốn tiểu thuyết vẫn còn dang dở.
“Nghệ sĩ của toàn dân”
Thật trớ trêu, đáp lại sự hăm hở của người nghệ sĩ, là sự ghẻ lạnh từ phía chính quyền và cấp trên. Là diễn viên, Vysotsky chỉ được nhận vai diễn phản diện, nhưng kỳ lạ là, dù thế nào công chúng cũng vô cùng yêu thích những vai diễn ấy.
Là người làm thơ và sáng tác ca khúc, các thi nhạc phẩm của anh không được in ấn, anh không là hội viên của bất kỳ một hiệp hội nghệ thuật nào, và không được gọi một cách chính thức là “nhà thơ” hay “nhạc sĩ”!
Công chúng càng yêu anh, những thế lực công quyền càng không ưa anh. Trong cuốn “Vysotsky. Hay chuyến bay gãy cánh” (1989), Marina Vlady, vợ anh, đã viết: “Môi trường quân đội rèn cho anh lòng quả cảm, nhưng lại không dạy cách đấu tranh với những tư tưởng khuôn sáo, một cách khôn khéo. Vì thế, sự dũng cảm của anh càng lớn, mọi người lại càng không ủng hộ anh”. Người ta không thích anh vì anh viết về cuộc sống của người dân, một cách gần gũi, thành thực, về sự xảo trá, dối lừa, về những ước mơ không với tới. Họ muốn anh viết khác đi, thì anh lại càng nói to hơn lên sự thật mà mình cảm nhận được. Là một nghệ sĩ hát những bài thơ của mình, tác phẩm của anh có sức lan tỏa rộng, đối với mọi tầng lớp, mọi đối tượng khán giả.
Những vần thơ ban đầu của Vysotsky viết về những điều giản dị, ngộ nghĩnh: về những chú bé đường phố, hay quậy phá, về cả những bọn trộm cắp nữa – cho người đọc nụ cười nhẹ nhõm. Nhưng càng ngày, thơ anh ngày trở nên dằn vặt bức bối hơn. Đọc Vysotsky những năm 70, không thể không cảm thấy không khí ngột ngạt mà nhà thơ dường như muốn dùng câu chữ mà vùng thoát ra, thậm chí sẵn sàng lấy cái chết đánh đổi một hơi thở tự do, hết mình:
Bờ dốc đứng chênh vênh mép vực
Vung roi da quất ngựa trên đường
Sao ngột ngạt, sao mà khó thở:
Uống gió trời, ngửa mặt nuốt sương
Rùng mình trong dự cảm mê cuồng
Của chết chóc… Tan biến đây…Ta biến mất!
(Lũ ngựa trái nết – Thụy Anh dịch)
Vysotsky viết nhiều về chiến tranh, mà bản thân chưa từng tham chiến. Những bài hát như “Sau trận chiến nó đã không về” đã nổi tiếng đến mức làm nên một diện mạo nghệ sĩ của Vysotsky. Có lần nguyên bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô Khrushov đã mời Vysotsky đến nhà, và hỏi, có phải anh đã lắng nghe chuyện của những người lính, để viết thơ và bài hát hay không. “Không” – Vysotsky đáp. Chiến tranh và cảm thức anh hùng ca đối với những con người Xô Viết như anh, luôn là một ám ảnh. Anh viết như trong vô thức, như viết về chính bản thân mình. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài CBS, khi được (bị!) hỏi vì sao không tìm cách rời bỏ nước Nga để được tự do sáng tác, Vysotsky đã nói: “Để làm gì? Tôi không phải kẻ chống đối, tôi là nghệ sĩ. Tôi yêu công chúng của tôi”.
Đã có lúc, không chịu nổi áp lực “bị ruồng bỏ”, Vysotsky đã từng viết thư gửi Bộ trưởng Bộ văn hóa Liên xô Demichov (1973). Bức thư có đoạn: “Tôi chịu trách nhiệm về sáng tác của mình trước đất nước và nhân dân, những người hát và nghe bài hát của tôi dù chúng không được quảng bá qua đài, tivi và các tổ chức ca nhạc”. Anh hy vọng, người ta hiểu sự chân thành của mình, vì anh chỉ muốn một điều: “được là nghệ sĩ cho nhân dân, những người tôi yêu, nỗi đau và niềm hân hoan của họ tôi biết cách thể hiện”. Mong muốn ấy không được đáp ứng. Nhưng trong vòng ba thập niên (60,70, 80), khắp nơi, người ta nghe anh, và xem anh. Nhà thơ A. Voznesensky đã gọi V. Vysotsky là “Volodia của toàn dân”! Tác phẩm của anh được gọi là “Bách khoa toàn thư Liên Xô kiểu mới”!
Tập thơ – nhạc đầu tiên của người nghệ sĩ toàn dân này được ra đời sau cái chết. Người ta chỉ công nhận anh là nhà thơ vào thời cải tổ, được truy tặng giải thưởng nhà nước Liên Xô năm 1987. Từ năm 1990, bắt đầu một làn sóng nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp Vysotsky, nhiều ấn phẩm có giá trị đã được xuất bản.
Sống mãi với tình yêu
Đọc những dòng viết cho anh trong trang lưu bút vẫn liên tục được viết ở nhà bảo tàng Vysotsky và được cập nhật trên website Vysotsky, thấy rõ, anh vẫn tiếp tục tồn tại trên đời, đối với công chúng, với những tình cảm yêu mến của họ dành cho anh.
Giọng hát khàn khàn có hơi thuốc của anh không thể lẫn với bất kỳ ai. Nó xoáy vào nhận thức của người ta, bằng tiếng ghita, bằng lời tự sự, như thể độc thoại, giữa một đám bạn bè thân, gan ruột cũng có thể dũng cảm phơi ra hết.
Giọng ca ấy có sức “công phá” mạnh với nhận thức và tình cảm của đồng bào anh, và cả những người ngoại quốc. Đó là câu chuyện về nhà báo người Nhật làm việc cho một tạp chí thời trang. Một lần, trong buổi trình diễn mốt quốc tế, anh thấy những người mẫu đi trên sàn catwalk cùng nhạc nền là tiếng hát một người Nga. Anh ta kể: “Tôi cảm thấy một cơn chấn động nhỏ trong mình, cảm giác kỳ lạ, vừa vui sướng vừa tuyệt vọng”. Ngay lập tức, anh đăng ký đi học tiếng Nga.
Và tất nhiên rồi, cả những người Việt Nam từng sống, học tập và làm việc ở Liên Xô cũ và LB Nga những thập kỷ 80, 90, cũng lưu giữ một Vysotsky cho riêng mình. Với tôi, gương mặt góc cạnh khắc khổ khó quên, giọng hát sâu xoáy kỳ lạ, câu chuyện tình yêu cuối đời, những trào lộng, hồi hộp, say mê, dằn vặt, đau đớn trong thơ… đã khiến tôi thấy nghẹn ngào khi viết những dòng này. Và cảm thấy một sự thấu hiểu và chia sẻ sâu sắc với đất nước vĩ đại mà trong quá khứ cũng gánh chịu đầy đau thương của anh.
Tôi muốn nhắc đến Marina Vlady, nữ nghệ sĩ người Pháp gốc Nga, người vợ cuối cùng của Vysotsky. Chuyện tình của họ, cũng như bất kỳ câu chuyện tình yêu đáng nhớ khác trên đời, là sự sắp đặt của định mệnh. Bấy giờ, Marina khá nổi tiếng ở Nga. Sau khi xem bộ phim “Phù thủy” (1956) do cô đóng vai chính, Vladimir đã rất yêu thích nghệ sĩ này. Anh sáng tác một bài hát vui nhộn và nhắc đến cô: “Tôi có mặt ở sở thú/ nhìn thấy hai người vợ/ Đấy, hai cô Marina Vladi/ mặc đồ bằng muông thú…”. Sau này, cuối những năm 60, khi họ đã gặp và yêu nhau nhờ liên hoan phim quốc tế Matxcơva lần thứ V, Marina đưa những đứa con riêng của mình sang Nga và rất muốn chúng học tiếng Nga. Những ngày đầu tiên bắt đầu làm quen với thứ tiếng này của quê hương người mẹ, chúng đã tìm được chính bài hát trên và vui sướng học hát, vì trong ấy có nhắc tên mẹ, không hề biết tác giả là V. Vysotsky. Nhưng Marina, khi nghe các cậu bé cất tiếng hát bài hát ấy, cô ngay lập tức nhận ra người đã viết nó.
Thời điểm ấy, Marina đã li dị chồng, sống cùng mẹ và ba đứa con, có nhà cửa to đẹp ở Pháp, lương cao. Cô chỉ có thể đến Nga ngắn hạn, theo đường du lịch hoặc công vụ. Còn Vladimir làm thủ tục chia tay với người vợ thứ hai, có hai đứa con. Anh về sống trong căn phòng 9 m2 ở nhà mẹ đẻ, nhận lương 150 rúp một tháng, không có cách nào ra nước ngoài. Bối cảnh ấy cho Marina thấy rằng, nếu lấy anh, hai người sẽ sống rất khó khăn. Nhưng tình yêu đã khiến cô hành động không còn tính toán.
Những ngày đầu, họ vô cùng hạnh phúc. Đây chính là thời gian Vysotsky làm được nhiều việc nhất. Anh diễn ở nhà hát, thu âm các vở kịch qua đài truyền thanh, đóng phim. Trong vòng mười năm, anh đóng trong hơn 10 bộ phim, trong đó có những bộ phim gây ấn tượng lớn cho khán giả như: “Tọa độ thẳng đứng” (1967), “Hai người đồng chí trong quân ngũ”, “Chúa tể rừng Taiga” (1968) và bộ phim dài tập “Điểm hẹn không thể thay đổi” (1979). Cũng thời gian ấy, Vysotsky tham gia hơn 1000 buổi biểu diễn ca nhạc!
Thế nhưng, cuộc sống của họ bắt đầu có những đám mây đen, khi Marina hiểu rằng, Vysotsky, một nghệ sĩ chân thành và nồng nhiệt, cũng lại rất dễ rơi vào trạng thái phấn khích hoặc những cơn rệu rã của tinh thần. Điều này dễ hiểu, bởi những áp lực mà Vysotsky từng chịu đựng. Về sau, Marina đã kể lại tất cả trong cuốn sách của mình. Cuốn sách thuộc thể loại hồi ký, nhưng dường như không viết cho độc giả, không viết cho ai cả, mà là cuộc trò chuyện giữa hai người. Đối diện. Đàm tâm. Không giấu giếm những cảm xúc riêng tư nhất, những ân ái, hoang mang, lạnh nhạt từng có, những thất vọng không tránh khỏi, những ghen tuông cay đắng… Marina nhắc lại với chồng về lần nghe anh thú nhận những cuộc tình thoáng qua của mình. Cô viết: “Đau đớn vì ghen tuông, em không hiểu được rằng, tất cả những điều đó là sự nỗ lực tuyệt vọng của anh muốn níu giữ cuộc sống, chứng minh cho bản thân rằng, anh vẫn còn tồn tại”. Marina hiểu ra những điều đó, sau khi nhớ lại từng khoảnh khắc Vysotsky đấu tranh với bản thân để giành lấy sự sống. Vysotsky uống nhiều rượu và nghiện thuốc lá. Khi trái tim của anh không chịu đựng được nữa những cú sốc của cuộc đời, bác sĩ bắt anh phải cai thuốc và rượu, thì lúc ấy, luôn có Marina bên cạnh. Cô chứng minh cho anh thấy không khó khăn gì bỏ những thói quen xấu. Cô cũng từng uống rượu và hút thuốc. Nhưng cô bỏ, một cách dễ dàng. Vysotsky lại gần như rơi vào cảm giác thất bại và trầm cảm vì sự mạnh mẽ của cô và sự yếu đuối của bản thân!
25-7-1979, ngay trên sàn sân khấu tại Bukhara, Vysotsky đã ngã gục. Bác sĩ tiêm cho anh một mũi trợ tim, thì anh tỉnh lại. Tròn một năm sau, cũng đúng ngày ấy, 25-7-1980, cuộc gặp gỡ với Thần chết đã được định đoạt.
Hẳn Vysotsky không ngờ được rằng, ngày anh mất, đúng vào thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Matxcơva 1980, không một dòng phân ưu chính thức trên báo chí, mà cả Matxcơva tạm gác niềm vui Olympic lại để đến với anh, để đắm chìm vào nỗi ngậm ngùi chia tay với người nghệ sĩ yêu mến của họ.
Chính quyền muốn mai táng anh ở một nghĩa trang cách xa thành phố. Nhưng vợ anh và bạn bè đã phản đối. Họ cho rằng, anh xứng đáng nằm lại lòng Matxcơva. Theo lời kể của Marina, ca sĩ nổi tiếng Iosif Kobzon đã đến nghĩa trang Vagankovsky, và … thử hối lộ người phụ trách nghĩa trang bằng một tờ 100 rúp. Ông này giãy nảy: “Làm sao các anh lại nghĩ tôi nhận tiền? Tôi cũng yêu mến Vysotsky!”. Và ông đã dành cho người nghệ sĩ tài hoa một nơi an nghỉ thật đẹp, chính giữa nghĩa trang, gần cổng vào. Người phụ trách nghĩa trang sau này bị cách chức.
Nhưng có lẽ ông ta không buồn, vì địa điểm ông dành cho nghệ sĩ đã trở thành một địa chỉ văn hóa của nước Nga. Cho đến bây giờ, trên mộ Vysotsky vẫn luôn có những lẵng hoa tươi kèm những bài thơ trần tình tha thiết, viếng hương hồn nhà thơ. Thậm chí, có chàng thanh niên còn để lại một chiếc đàn ghi ta…
Phải rồi. Chiếc đàn ghi ta là hình ảnh của anh, người nghệ sĩ hát thơ./.
Bình luận:
- Phân viện Puskin - cầu nối cho thiếu nhi Việt Nam đến với “Artek - Vương quốc của tuổi thơ và tình bạn”
- Hội thảo khoa học Quốc tế II "Giáo dục. Tọa đàm vì tương lai" 26-27-28/03/2017
- Hội thảo chuyên đề Quốc tế lần I "Tiếng Nga trong thế giới đa văn hóa" từ ngày 8-12/06/2017
- Cuộc thi tiếng Nga quốc tế "Artek" năm 2017
- Giờ học tiếng Nga với người bản ngữ
- Chuẩn bị du học
- Chủ đề "Tình bạn"
- Giao lưu văn hóa, học hè và trải nghiệm tại Saint-Petersburg - Hè 2016
- Festival dành cho học sinh và sinh viên “Đa sắc màu Việt-Nga”